Nhớ Bố ngày Hiền phụ

7:17 PM |


Nhớ Bố ngày Hiền phụ

16.06.2013

"Chúa dạy con biết đường về cõi sống,
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi!
Thánh Vịnh" (16:11)
*******************
Bố tôi qua đời đã mười hai năm, nhưng gương sáng về cách sống của Người vẫn hiện diện trong tôi. Người đã lưu lại cho tôi tất cả gia tài tinh thần của người, cũng như cho mỗi một con cháu, để càng ngày tôi càng cảm thấy gia tài đó thật qúi giá. Bây giờ tôi mới hiểu ra vì sao lúc nào Người cũng tươi cười, ngay cả khi cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn lao nhọc. 
Chúa đã ban cho Người đời sống hết sức dồi dào, đầy ơn sủng: Người được sống đến tuổi già, nhìn đàn con cháu đông đúc, và biết bao thân quyến bạn bè, ai ai cũng qúy mến thương yêu Người. 
Sinh ra trong thời loạn ly, Người đã chia sẻ khổ đau của quê hương đất nước. Bốn lần vượt biển cam go, và các lần lánh nạn lớn nhỏ khác, người đã ôm trọn gia đình đem đến chỗ bằng an. Trong các chuyến đi, lúc nào chiếc ghe của Người cũng có người ngoài; Người sẵn sàng chia bớt nơi ăn chỗ nằm với họ. 
Người đã thương yêu tận tụy chăm sóc mẹ tôi. Người làm những việc lớn nhỏ để bà đỡ vất vả, và chiều ý bà ngay cả khi trái ý Người. Nhờ vậy mà trong nhà lúc nào cũng đầm ấm, các con, mặc dầu đã lập gia đình, cũng muốn trở về. 
Người đã hết lòng thương yêu, nuôi nấng dạy dỗ các con. Tần tảo vất vả sớm hôm, lúc ngoài khơi, khi trên bờ, lúc nào Người cũng làm việc hết sức mình để chu cấp cho gia đình. Người vui khi thấy tôi chăm chỉ học hành, và nhảy mừng khi được tôi báo tin thi đậu. Người hiền lành đến nỗi, có khi tôi làm điều lầm lỗi,Người cũng không la rầy trách mắng. Bất kể rể dâu, Người đều nhường nhịn bênh vực. Người cưng chiều cháu chắt và luôn luôn có mặt trong các dịp vui buồn. 
Người dạy cho tôi biết tôn trọng người trên, thương yêu mọi người, và chăm lo thờ phượng Chúa. Tôi còn nhớ, vào mỗi mồng Một Tết, Người thức chúng tôi dậy sớm, lần chuỗi ba tràng, đọc kinh cầu. Người nói,“Mình phải đọc kinh để cầu cho quê hương đất nước, cho tổ tiên, ông bà…” 
Khi có miếng ngon, Người chia sớt với bà con, ngay cả khi túng thiếu, Người cũng tìm cách giúp đỡ. Với người quen biết cùng khổ, người càng để ý chăm nom. 
Nhà của Người không bao giờ vắng khách. Bạn bè của Người lui tới thường xuyên, khi công chuyện làm ăn, khi sinh hoạt cộng đoàn; Người lạ hay quen, Người đều tiếp đón niềm nở. Người sốt sắng tham gia việc chung, ngay cả khi tuổi già sức yếu, nêu gương phục vụ mọi người. Trong mọi việc, Người luôn tươi cười vui vẻ, biểu lộ lòng thương người một cách chân thành bình dị. 
Người phó thác mọi điều trong sự quan phòng của Chúa, mà tôi nghĩ đó là bí quyết cuộc sống mang lại hạnh phúc cho Người. 
Những ngày cuối đời, Người nằm ở nhà dưỡng lão, gánh chịu đớn đau thể xác, đền bù tội lỗi cho tôi và các con cháu. Những lần ghé thăm và đút cho người ăn, tôi sung sướng vô cùng. Lần nào Người cũng ăn hết mâm cơm. Với căn bệnh quên Alzheimer như của cố Tổng thống Reagan, nhưng khi nghe đọc các câu kinh quen, người im lặng lắng nghe và như muốn đọc theo. Gần gũi Người tôi thấy thật vui, vì biết mình còn bố, vì Người sống thọ. 
Bây giờ Người đã ra đi và mỗi khi có dịp hồi tưởng, như trong ngày Hiền Phụ, tôi nhớ các gương sáng củaNgười. Tôi muốn bắt chước Người, nhất là sự bình tâm phó thác, lòng thương yêu tha nhân như Người đã thể hiện. Gia sản đó thật qúy giá nhưng cũng nhiều thách đố, vì sống được như Người quả là một hồng ân mà Chúa đã ban cho.


Trần Hiếu
Read more…

Những đàn ông Việt 'hèn nhát bên chai rượu'

9:47 PM |

Có bao nhiêu lần bạn chi quá mức cho bia rượu, bị người khác gài độ để rồi hôm sau thấy mình dại?

Năm nay tôi 35 tuổi nhưng có khoảng 15 năm biết đến bia rượu và đã trải qua bao nhiêu “trận chiến” trên bàn nhậu với hàng chục lý do khác nhau. Chưa bao giờ tôi say xỉn làm mất trật tự ngay tại quán hay làm phiền những người xung quanh. Cũng chưa một lần lái xe va quẹt ai sau khi uống bia rượu, nhưng những năm gần đây, tôi đã tự nhận thức được vấn đề và hạn chế bia rượu rất nhiều. Thỉnh thoảng chỉ uống vài chai cho vui. Nếu chầu nào “nặng” quá thì tôi đón xe ôm đến quán hoặc gởi xe tại quán, đón xe ôm hoặc taxi để về. Các chiến hữu của tôi, hãy một lần thực lòng trả lời với chính mình:

Có bao nhiêu lần bạn lái xe về nhà an toàn, khóa cửa cẩn thận nhưng nửa đêm giật mình thức dậy và thậm chí không nhớ được làm sao mình có thể về đến nhà? Khi bước ra từ quán, bạn cứ cho rằng mình lái xe cẩn thận nhưng thật ra đó chỉ là sự may mắn cho tính mạng chính bạn và những người đi đường. Quá sức nguy hiểm!
Có bao nhiêu lần bạn ra khỏi quán, ngồi lên xe là lái như bay, lạng lách thật nhanh vì nhiều lý do khác nhau? Vì đã quá khuya, vì có một thằng nào “thấy ghét” chạy song song với bạn. Hay đơn giản là lúc đó bạn quá bốc đồng. Nếu không nghĩ đến những người đang đi trên đường, hãy nghĩ về ba mẹ, vợ con, những người thân yêu đang phụ thuộc vào mình. Để rồi sáng mai, bạn cảm thấy mình ngu xuẩn và anh hùng rơm nhất trên đời. Bạn tự cảm thấy xấu hổ, tự nhủ không có lần sau nhưng đâu lại vô đó.
Có bao nhiêu lần bạn quá chén và lỡ lời? Bạn nói chuyện thật to nhưng cứ cho rằng mình lịch sự. Bạn làm mắc lòng người khác… Khi có nhiều hơi men, con người bao giờ cũng cho mình tỉnh táo và rất dễ mất tư cách cho dù bình thường bạn đạo mạo đến đâu.
Có bao nhiêu lần bạn bày ra đủ thứ lý do khác nhau để uống rượu? Bạn nói với mẹ, với vợ con là phải nhậu tới bến mới làm ăn được. Phải xây dựng mối quan hệ. Bạn uống thi với người khác trăm phần trăm, khích bác, chê bai những người uống yếu, ép tiếp thị bia/rượu phải cụng ly với mình. Bản thân tôi đã bắt đầu làm quản lý cho các tập đoàn và tự kinh doanh gần chục năm rồi nên tôi biết, tất cả những lý do đó chỉ là ngụy biện.
Đó là sự hèn nhát. Chỉ những người đàn ông uống bia rượu có chừng mực mới là đáng nể trọng.
Có bao nhiêu lần bạn chi quá mức cho bia rượu, bị người khác gài độ để rồi hôm sau thấy mình dại. Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập thấp nhưng uống bia rượu nhiều thứ hai tại Châu Á. Việt Nam là thị trường bia lớn nhất của Tiger và là một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới của Heineken. Có hay ho gì đâu? Càng nghèo thì càng nhậu nhiều. Càng nhậu nhiều thì càng nghèo.
Có bao nhiêu lần bạn gây gổ với vợ con hoặc gia đình của mình chỉ vì bia rượu. Bắt người nhà phải hồi hộp chờ đợi, bỏ cơm vì mình. Rạn nứt, tan nát gia đình. Có đáng mặt đàn ông không?
Từ khi biết vợ mang thai, tôi ít nhậu lại hẳn. Cứ nghỉ đến cảnh mình có bề gì thì con cái thế nào, rồi ba mẹ mình nữa. Các bạn, gia đình đặc biệt là con cái cần các bạn lắm.
Đừng ích kỷ nữa.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện cảnh sát giao thông xử phạt những người lái xe với nồng độ cồn vượt mức cho phép. Phải làm thường xuyên, phạt thật nặng.
Các bạn, tôi đã đến nhiều nơi trên thế giới rồi. Đất nước nào cũng vậy. Bạn uống bia rượu và phải tự kiểm soát hành vi của mình. Nếu không, phạt rất nặng. Có nơi nào nhậu nhẹt tràn lan, gây bao hệ lụy như Việt Nam này đâu?
Ở huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu, ngay ngã ba Mỹ Xuân, từ quốc lộ 51 quẹo vào Hắc Dịch, chỉ chưa đến 1 cây số nhưng bao năm qua, hai bên đường có đến khoảng 30 quán nhậu lớn nhỏ đủ loại. Những người say xỉn cứ phóng xe ào ào và là nổi ám ảnh của bao nhiêu người dân hai bên đường.
Đã có nhiều tai nạn thương tâm chết người xảy ra ở khu vực này. Các anh công an nên chốt chặn hai đầu con đường ăn nhậu này, góp phần đảm bảo được sự an toàn cho người dân. Chúng tôi sẽ rất biết ơn.
Riêng cánh đàn ông Việt Nam mình hãy thức tỉnh đi. Đừng ngụy biện nữa.
Nguyễn Minh
Read more…

Tu sĩ Dòng Tên người Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục

7:15 PM |
Tu sĩ Dòng Tên người Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục
13.06.2013
Thầy Wilbert Mireh, SJ, đã được phong chức linh mục tại Nhà thờ Chính toà Loikaw ở Myanmar tháng 5 vừa qua. Với việc phong chức này, ngài trở thành tu sĩ Dòng Tên Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục kể từ khi Dòng Tên được thành lập cách đây 473 năm.
Có 20 linh mục Dòng Tên hiện diện trong Thánh lễ cùng với Cha Wardi Saputra là giám tập của Cha Mireh. “Cách đây khá lâu, Đức cha Matthias U. Shwe, Giám mục Giáo phận Taunggyi, hỏi tôi: ‘Khi nào thì chúng ta sẽ có một tu sĩ Dòng Tên được phong chức linh mục ở Myanmar?’”, Cha Saputra, người từ Indonesia đến Myanmar năm 1998 để thiết lập một nhà tập, nhớ lại.

Đối với Cha Mireh, lễ phong chức là một khoảnh khắc ân sủng, qua đó ngài đã cảm nhận được phúc lành của Thiên Chúa ban trên cuộc đời của ngài. Trong khi ý thức được những trách nhiệm mà ngài sẽ gánh vác khi trở thành linh mục Dòng Tên đầu tiên của nước Myanmar, Cha Mireh nói rằng ngài cảm nhận được sự nâng đỡ lớn lao đến từ nhiều người xung quanh ngài.

“Thật là một đặc ân và tôi cảm thấy mình rất sẵn sàng để bắt đầu sứ vụ của mình. Tôi đã ao ước làm điều này từ rất lâu rồi. Trong tư cách là một tu sĩ Dòng Tên, tôi thấy mình đang tràn đầy tinh thần truyền giáo”, tân linh mục nói.

Mặc dù các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha đã mang đạo Công giáo đến Vương quốc Pegu từ những năm đầu của thế kỷ 17 và Tỉnh Dòng Tên Maryland của Hoa Kỳ đã làm việc ở Myanmar (còn gọi là Burma) từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, nhưng tình hình chính trị phức tạp đã cản trở sự phát triển của Dòng Tên tại đây. Kể từ khi các tu sĩ Dòng Tên trở lại phục vụ Myanmar từ năm 1998, họ đã cộng tác với Giáo hội Myanmar trong việc huấn luyện các tu sĩ trẻ và mang đến nhiều chương trình giáo dục cho những người bị tổn thương sau nhiều năm sống dưới chế độ nhà nước quân sự.

Lễ phong chức mang tính lịch sử này cũng là một dấu mốc quan trọng đối với những ân nhân khắp thế giới vốn là những người đang hỗ trợ cho sứ mạng truyền giáo của Dòng Tên tại Myanmar. Ngoài ra, theo Cha Irsan Rimawal, SJ, đương kim giám tập Dòng Tên tại Myanmar, việc có thêm một linh mục Dòng Tên người địa phương cho Giáo hội Myanmar sẽ mang đến nhiều ích lợi cho anh chị em tín hữu.

 “Trước hết, là người địa phương họ sẽ hiểu nền văn hoá và tình trạng đất nước của họ hơn là các Giêsu hữu ngoại quốc. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng việc có một linh mục Dòng Tên người địa phương sẽ tạo cơ hội lớn cho Dòng Tên tham dự và cộng tác với đời sống của Giáo Hội Myanmar”, Cha Rimawal nói.

Cha Mireh sẽ bắt đầu việc mục vụ của ngài ở Giáo phận Loikaw, nơi ngài đã lớn lên và được huấn luyện về đức tin, trong khi các anh em Giêsu hữu của ngài đến từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Úc sẽ tiếp tục công việc xây dựng và phát triển sứ mạng truyền giáo còn non trẻ của Dòng Tên tại Myanmar.




Tân linh mục Mireh, mẹ và anh trai


Chỉnh Trần, S.J.chuyển ngữ

(Nguồn: dongten.net)
Read more…

AI Video maker

pictory

Code type Ad code