Những doanh nhân đã làm thay đổi thế giới

10:30 AM |
Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet và Richard Branson là bốn doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của họ là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đang vật lộn với sự nghiệp kinh doanh của mình.
Bill Gates được khắc họa là một kẻ “ngạo mạn”, là 1 người dường như luôn tin rằng bất cứ điều gì mình làm đều đem lại nhiều tiền.
Năm lớp 11, Bill Gates nói với người bạn của mình rằng Bill Gates sẽ là triệu phú trước năm 30 tuổi. Một số người nói ra điều đó vì khoác lác. Một số người nói ra điều đó vì họ đánh giá được chính họ. Bill thuộc loại thứ hai.
Lần theo bước chân của Gates và nói chuyện với tất cả những ai biết bất cứ điều gì đó về Gates và Microsoft đều có được những điểm thú vị. Hai phóng viên điều tra Wallace và Erickson đã tiết lộ nhiều bí mật thú vị về Gates trong tác phẩm: “Bill Gates: Tham vọng lớn lao và quá trình hình thành đế chế Microsoft".
Nhận xét về cuốn sách, báo New York Post viết “Một câu chuyện cuốn hút… Nếu bạn quan tâm đến máy tính, bạn sẽ tìm thấy ở cuốn sách này những hiểu biết kỳ thú. Nếu bạn quan tâm đến tiền bạc, đây là một nghiên cứu trường hợp về việc làm thế nào để tạo ra nó. Còn nếu bạn thích thú với vấn đề về con người, việc khám phá ra điều gì có thể làm Bill Gates dao động sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh tâm trí của bạn”.
Khác với Bill Gates, hình ảnh Richard Branson lại hiện ra đầy hài hước nhưng cũng rất lôi cuốn thông qua chính tự truyện bản thân: Richard Branson - Đường ra biển lớn.
Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy chông gai, Richard Branson đã tự viết những quy tắc của riêng mình để xây dựng một hệ thống các công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu, nhưng lại không hề có trụ sở chính, không hề có hệ thống phân cấp quản lý và quan liêu.
“Một con người phi thường, một cuốn truyện phi thường… Một kiệt tác - Sex, khinh khí cầu, ngoại tình và tiền bạc”, tờ Sunday Business viết. “Đối với những ai đang cháy bỏng niềm đam mê với tinh thần doanh nhân, những trang sách lưu giữ hồi ức của ông tựa như một cuốn cẩm nang dẫn đường vậy”, Business Age thể hiện.
Còn Warren Buffett, người được mệnh danh là vị thánh trong lĩnh vực đầu tư tài chính, lại có một phong cách quản lý quỹ đầu tư khác thường: Không tiết lộ bất cứ điều gì về việc tiền của họ được đầu tư vào đâu. Hàng năm anh sẽ gửi cho họ một bản báo cáo kết quả, ngoài ra không còn gì khác. Thêm vào đó, anh sẽ chỉ “làm việc” với họ một ngày trong năm.
“Buffett muốn được toàn quyền đưa ra các quyết định đầu tư và mong muốn này cũng mãnh liệt không thua gì mong muốn có được số vốn đó”. Kể từ khi được xuất bản vào tháng 8/1995, cuốn Buffett: Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ đã xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất của các tờ Wall Street Journal, New York Times, San Francisco Chronicle, Los Angeles Times, Seattle Times, Newsday và Business Week.
Nhân vật cuối cùng là Steve Jobs - với triết lý “Một người thợ mộc giỏi sẽ không dùng gỗ xấu làm lưng tủ, cho dù sẽ không ai nhìn thấy”, các sản phẩm của Apple dưới sự giám sát trực tiếp của Steve Jobs luôn đạt đến sự hoàn mỹ, kể cả ở những chi tiết nhỏ nhất.
Trong tác phẩm Steve Jobs - Thiên tài gàn dở và câu chuyện thần kỳ về quả táo, Kahney đã hé lộ những nguyên tắc của Jobs trước khi tung ra những sản phẩm có sức mê hoặc, làm nức lòng những tín đồ yêu mến Apple cuồng nhiệt nhất đồng thời cũng là người sở hữu những thương hiệu danh giá nhất hành tinh. “Một tuyệt phẩm quý giá và cần thiết cho những ai muốn khám phá những bí mật thẳm sâu bên trong trí tuệ của Steve và tìm hiểu xem điều gì đã khiến Apple trở nên vĩ đại như vậy”, USA Today chia sẻ.
Bộ sách gồm 4 cuốn sách: “Bill Gates - Tham vọng lớn lao và Quá trình hình thành đế chế Microsoft”; “Steve Jobs - Thiên tài gàn dở và Câu chuyện thần kỳ về quả táo”; “Warren Buffett - Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ” và “Richard Branson - Đường ra biển lớn”.
Bộ sách sẽ ra mắt ngày 26/9/2011. Khách hàng đặt mua bộ sách trước ngày 23/9/2011 tại Không gian sách Quản trị kinh doanh http://bizspace.vn/.
Nguồn Alpha Books
Read more…

Chuyện về cha đẻ quả táo

10:27 AM |
Một người đàn ông sắp già, xanh xao, gầy đét. Một gã suốt ngày chẳng biết mặc gì khác ngoài cái áo thun đen cổ lọ và quần jeans xanh. Một doanh nhân chỉ luôn tìm cách moi tiền của người khác… Đó là Steve Jobs - nhân vật đã làm cho cả thế giới phải hoảng loạn chỉ với cái tin ông từ chức giám đốc điều hành Apple.
Ông chủ khó chịu
Chúng ta đang sống giữa thời điểm kinh tế khó khăn, khi mà các lãnh đạo những công ty lớn bị ghét cay ghét đắng vì những mức lương cao ngất ngưởng, vì những chiếc dù vàng vô lý đến khó tin đưa họ hạ cánh an toàn, vì lối sống xa hoa phí phạm của họ… Nhưng Steve Jobs là một ngoại lệ. Cái tin ông thôi chức giám đốc điều hành công ty Apple đã thực sự gây nên một cơn bão trên mạng. “Thế giới đã mất đi một thiên tài”, “Steve Jobs là giám đốc điều hành tài ba nhất mọi thời đại”, “Thật là một ngày buồn cho ngành công nghệ”, “Cầu mong đó không phải là sự thật”… Cả thế giới đã náo loạn hết cả lên. Mà có gì phải náo loạn cơ chứ? Steve Jobs vẫn còn sống sờ sờ ra đó thôi! Ông cũng chẳng đi đâu cả. Trong lá thư từ chức ngắn ngủi của mình, Jobs đã nói rõ ông sẽ ở lại để làm chủ tịch hội đồng quản trị của Apple, tức là chỉ chuyển từ vị trí số 1 sang vị trí số 2. Cái tin này cũng chẳng có gì là bất ngờ. Jobs nghỉ việc vì lý do sức khỏe kém, điều đã được tiên liệu từ nhiều năm trước. Ông đã ba lần bảy lượt nghỉ việc, có lần cả mấy tháng trời để chữa bệnh ung thư tuyến tụy và phẫu thuật thay gan. Trong những quãng thời gian dài đó, Tim Cook, người vừa lên thế Jobs để cầm quân Apple vẫn là quyền giám đốc điều hành và Apple vẫn phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, Jobs sẽ vẫn tiếp tục phối hợp điều hành và tha hồ sáng tạo bên cạnh cộng sự lâu năm của mình. Apple sẽ vẫn là Apple như lời Cook đã trấn an dư luận.
Với các nhân viên của quả táo cắn dở, việc Jobs rời khỏi chức vụ cao nhất chưa hẳn đã là tin xấu. Là đệ tử cuồng tín nhất của chủ nghĩa cầu toàn, áp lực từ Jobs đè nặng lên tất cả thuộc cấp. Jobs từng “vinh hạnh” lọt vào danh sách “Những ông chủ khó chịu nhất nước Mỹ” của tạp chí Fortune, với mô tả: “Đòi hỏi hoàn hảo đến độc ác của Jobs đốt rụi cả nhân viên có động cơ làm việc mạnh nhất”. Độc đoán, Jobs cũng thường xuyên gây căng thẳng với ban lãnh đạo. Chưa hết, sự thô lỗ của Jobs là lý do khiến chuyên gia viết hồi ký Kahney kết luận: “Tất cả những nhân viên đều có một câu chuyện về đề tài: “Steve quát vào mặt tôi’”. Ngoài ra, dù rất thông minh và có tài hùng biện, Jobs đã nhiều lần bất lịch sự đến mức khiến người khác phải sửng sốt. Trong một lần được tổng thống Pháp mời ăn tối chính chức, Jobs đã yêu cầu được đãi món… mì Ý, theo như Daily Mail. Còn tờ Guardian thì kể lại, một cuộc đàm phán làm ăn giữa Apple và một công ty giáo dục đã kết thúc bằng tiếng rít lên của Jobs: “Anh là thứ cặn bã! Công ty của anh là thứ cặn bã! Nó chẳng là gì nếu so với công ty của tôi”. Trang web Boing Boing còn mô tả nước bọt của ông giám đốc điều hành văng khắp bàn.
Giáo phái Steven Jobs
Bất chấp những tính cách đáng ghét kể tên, Jobs được hâm mộ như một siêu sao màn bạc. Cùng lúc, Jobs được tôn trọng như một vị anh hùng đã ngã xuống vì hy sinh cho nhân loại. Hơn hết, Jobs còn được sùng bái bởi hàng triệu triệu tín đồ cuồng tín nhất trên khắp thế giới đã gia nhập vào giáo phái mang tên ông. Những tín đồ đó vẫn đang háo hức đợi bên ngoài tòa thánh thất, mòn mỏi chờ giáo chủ bước ra để ban tặng cho họ một món quà mới, món quà mà họ không rõ là gì, chưa từng thấy mặt nó nhưng biết chắc sẽ không thể sống thiếu nó. Thật vậy, những sáng tạo đột phá của Jobs đã làm ra những sản phẩm đánh vào nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, dù trước khi sản phẩm ra đời, người ta không hề biết là mình cần nó. Tới khi đã xài thử nó, người ta lại không thể hình dung vì sao mình từng có thể sống mà thiếu nó, từ iPod, iPhone đến iPad.
Lấy một ví dụ từ cái máy tính bảng kỳ diệu. Trước khi nó xuất hiện, trên những chuyến tàu điện ngầm ở New York hằng ngày vẫn vương vãi đầy những tờ báo New York Times, Washington Post, USA Today… Những người đi làm, từ anh nhân viên quèn cho tới ông giám đốc đều cặm cụi đọc những thông tin cần thiết cho công việc, không bao giờ nghĩ rằng mình cần một cái máy tính bảng cho phép lướt qua một lần hàng chục, hay nếu muốn là hàng trăm tờ báo, cho phép họ làm việc tiện dụng hệt như trên cái laptop cồng kềnh, cho phép họ xem lại một chương trình truyền hình phát quá khuya vào đêm qua… iPad đã làm cho mọi thứ đều trở nên có thể ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. “Ông ấy đã gây ảnh hưởng quá lớn, tác động trực tiếp tới nhiều thiết bị cơ bản mà chúng ta dùng mỗi ngày: máy tính, điện thoại di động và máy nghe nhạc” – Leander Kahney, một blogger viết trên trang dành cho người hâm mộ Apple cultofmac.com.
Đứa con bị từ chối
Jobs lớn lên ở California (Mỹ), do Paul và Clara - một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp lao động nuôi nấng. Đó là cha mẹ nuôi của ông. Jobs là một đứa trẻ bị từ chối, dù cả cha và mẹ ruột đều còn sống, đều được học hành tử tế. Cha ông – Abdulfattah Jandali - thậm chí là con của một triệu phú. Theo lời Jandali thì bởi ông ngoại của Jobs là người rất bảo thủ, không cho phép ông cưới mẹ Jobs với sự hiện diện của một đứa con hoang nên họ đã quyết định cho Jobs làm con nuôi. Thế là Joanne Schieble - mẹ của Jobs đã giao số phận Jobs cho một cơ quan chuyên cho con nuôi với lời nhắn gửi: cố tìm cho đứa trẻ một người cha, người mẹ có bằng đại học. Cả Paul và Clara đều không đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng Joanne vẫn giao Jobs cho họ sau khi họ hứa sẽ cho Jobs học đại học. Cha mẹ nuôi của Jobs đã giữ lời hứa. Có điều Jobs chỉ vào đại học được có vài tháng là bỏ dở, sống sót nhờ những bữa cơm từ thiện.
Sau vài công việc không đâu vào đâu, vào năm 1976 Jobs cùng với một người bạn khai sinh ra công ty Apple trong một căn phòng để xe. Đến 1985, do mâu thuẫn gay gắt với ban lãnh đạo, Jobs bị đá văng ra khỏi công ty của chính mình. Ông chỉ trở lại đó vào năm 1996, khi Apple đang thoi thóp thở, chỉ còn 3 tháng nữa là tới thời hạn phải nộp đơn phá sản. Rất nhanh chóng, Jobs đã vực nó dậy và phù phép biến nó thành công ty lớn thứ 2 trên thế giới (xét về lợi nhuận), còn bản thân ông được người tiêu dùng tôn sùng như một vị thánh sống. Thế giới này phải cảm ơn Steve Jobs vì đã chỉ cho họ thấy một cách sống mới, cách làm việc mới và cách giải trí mới.
Read more…

Liều như Steve Jobs mới có thể thành công

10:09 AM |
Tình hình kinh tế u ám khiến nhiều CEO tê liệt và hoảng sợ. Nhưng đối với những người như Steve Jobs hay Warren Buffett, liều lĩnh, mạo hiểm là yếu tố quan trọng để đạt được thành công.
Steve Jobs là một nhà lãnh đạo cực kỳ dũng cảm. Hết lần này đến lần khác, CEO của Apple đưa ra sản phẩm mới, dịch vụ mới và cả những mô hình kinh doanh chưa từng bao giờ tồn tại. Ông coi thường những cuộc thử nghiệm trên thị trường. Vì vậy, những sản phẩm của Apple hoàn toàn được giữ bí mật. Jobs cũng không thể chắc chắn được là mình sẽ thành công, nhưng ông vẫn liều lĩnh, dù biết rằng nếu thất bại, Apple sẽ phải chịu những khoản lỗ khổng lồ và bản thân ông cũng sẽ trở thành trò cười cho mọi người.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, các sản phẩm của Apple là những thiết bị xuất sắc nhất và Jobs chính là người tạo ra của cải vĩ đại nhất. Điều đó sẽ không thể xảy ra nếu Jobs không dám mạo hiểm.
Chủ đề này đang trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang ngày càng hỗn loạn. Nhiều CEO cảm thấy sợ hãi vì họ liên tục phải chứng kiến những việc mà họ cho là không thể xảy ra. Việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm là một ví dụ. Và sự thiếu an toàn trong mọi hành động cũng làm họ không dám nhúc nhích, làm việc gì cũng cảm thấy e sợ.
Thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà tháng sau người ta sẽ cho xuất bản cuốn: “Liều lĩnh: Biến nghi ngờ và sợ hãi thành nhiên liệu cho sự phát tài”. Một nhà tư vấn có tên Bill Treasurer đã dùng những kinh nghiệm thực tiễn của mình để dạy cho các doanh nhân lòng can đảm. Vì trước đó, anh đã từng kiếm sống bằng nghề thợ lặn. Năm ngoái, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng tổ chức hẳn một diễn đàn về sự can đảm. Các bài báo và blog về vấn đề này cũng càng ngày càng được chú ý.
Chẳng có gì đảm bảo là tình hình kinh tế sẽ bớt rối ren, vì thế, các nhà quản lý càng cần phải trở nên can đảm hơn, cụ thể là qua những việc làm sau:
1. Duy trì các chi phí cần thiết
Khi có biến động xảy ra, cách phổ biến nhất mà các CEO hay áp dụng chính là giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề là những chi phí đó lại là các khoản đầu tư sẽ sinh lời trong tương lai như R&D, marketing hay mở rộng cơ sở sản xuất. Cắt giảm chúng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận trong năm nay, nhưng sẽ giảm lợi nhuận trong tương lai.
Những CEO nhút nhát thường phàn nàn rằng họ buộc phải làm thế vì các nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn. Nhưng một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi ông Baruch Lev của Đại học New York lại cho thấy sự thực không phải như vậy. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể phân biệt được đâu là những chi phí sinh lời, và đâu thì không.
Các CEO dũng cảm sẽ vẫn kiên trì với các khoản đầu tư sinh lời kể cả trong lúc kinh tế yếu kém. Công ty DuPont vẫn tích cực đổ tiền vào R&D trong giai đoạn đại suy thoái. Sáng tạo ra nylon, neoprene và nhiều sản phẩm khác giúp họ kiếm được hàng tỉ USD trong suốt hàng chục năm về sau. Khoản đầu tư gần đây nhất của Warren Buffett vào Bank of America chính là một ví dụ điển hình cho sự mạo hiểm. Đặt 5 tỉ USD vốn của Berkshire Hathaway vào loại cổ phiếu bị mọi người ghét bỏ trong thời kỳ suy thoái là việc làm cần rất nhiều sự liều lĩnh. Và đó chính là cái làm ông trở nên giàu có.
2. Không nên sa thải hàng loạt
Việc này có vẻ như không thể tránh khỏi trong tình hình kinh tế hỗn loạn. Sa thải hàng loạt diễn ra khắp mọi nơi trong lần suy thoái gần đây nhất, và giờ đây nó lại đang thịnh hành trở lại. HSBC chuẩn bị sa thải 30.000 nhân viên, Bank of America cắt giảm từ 3.500 đến 10.000 người, UBS thì dự định cho 3.500 nhân viên nghỉ việc và 2.350 người cũng sắp sửa phải chia tay ABN Ambro.
Đôi lúc sa thải là cần thiết, tuy nhiên, các CEO dũng cảm sẽ biết rằng chi phí về lâu dài cho việc này, đặc biệt là những khoản ưu đãi trong dài hạn cho việc giữ chân nhân viên qua thời kỳ khó khăn sẽ vượt xa bất kỳ khoản tiết kiệm nào có được từ việc sa thải ngày hôm nay.
Một lần nữa, các CEO lại biện bạch rằng phố Wall buộc họ phải làm vậy, và điều đó hoàn toàn sai. Các nhà đầu tư sẽ hài lòng với việc sa thải bớt nhân viên nếu họ vừa mua lại một công ty khác. Nhưng nếu mục đích của công ty đó chỉ là để cắt giảm chi phí, thì dĩ nhiên họ sẽ bị cho là đang gặp rắc rối, và cổ phiếu của họ sẽ bị giảm giá không thương tiếc.
3. Làm những việc lớn lao
Các nhà lãnh đạo nhút nhát thường không dám làm gì trong thời kỳ suy thoái. Họ lo lắng rằng mỗi bước đi của mình đều là mạo hiểm. Vì vậy, họ chọn giải pháp đứng yên. Nhưng việc đó không hề an toàn chút nào. Trong lúc biến động, người thắng chỉ có thể là người dũng cảm, và kẻ bại trận lại thường là những kẻ chỉ biết lo lắng đề phòng.
Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư vào các dự án sinh lời, kể cả khi hiện tại đang chịu lỗ. Hoặc có khi chính thời kì khó khăn lại giúp bạn nhận ra rằng công ty đang chi tiêu quá bừa bãi và đây là cơ hội để bạn cải tổ lại toàn bộ công ty mình. Các nghiên cứu của McKinsey cho thấy trong những cuộc suy thoái trước, các công ty làm theo một trong hai cách trên đều là những công ty có kết quả tốt nhất. Và những công ty chỉ chăm chăm cắt giảm để sống sót qua ngày là những công ty tệ hại nhất. Bài học đặt ra là: Hãy quyết định xem doanh nghiệp bạn cần làm gì bây giờ và thu hết can đảm để làm những việc lớn lao đó.
Aristotle đã gọi lòng dũng cảm là phẩm chất hàng đầu, còn Samuel Johnson thì gọi nó là điều vĩ đại nhất. Lý luận của họ đều giống nhau. Đó là dũng cảm làm cho người ta có được mọi đức tính khác. Dũng cảm nghĩa là dám chấp nhận rủi ro, và điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn khi môi trường kinh doanh đang ngày càng khắc nghiệt. Đó cũng chính là thời khắc tạo nên kẻ thắng và người thua.
Chấp nhận rủi ro dĩ nhiên là một việc đáng sợ. Nhưng nhìn vào Jobs, Buffett hay các CEO dũng cảm khác, bạn sẽ nhận ra rằng đó chính là cơ hội duy nhất của mình trong thời điểm hiện tại.
Hà Thu (theo CNN)
Read more…

Những câu chuyện về Steven Jobs

9:58 AM |
Trong bài nói chuyện trước hàng ngàn sinh viên của trường đại học danh tiếng Stanford vào ngày tốt nghiệp 12.6.2005, vị khách mời Steve Jobs đã kể rằng: “Tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, tôi có muốn làm trong hôm nay những gì mà tôi dự định không? Và bất cứ khi nào câu trả lời “Không” xuất hiện liên tục trong quá nhiều ngày, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó”.

Steve Jobs kể rằng ông đã nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi như thế từ khi ông đọc được đâu đó vào năm 17 tuổi câu nói: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ ổn”, và việc ghi nhớ rằng mình sẽ chết được Steve Jobs nhìn nhận như là “một công cụ lợi hại nhất mình tình cờ có được”, và công cụ đó đã giúp ông đưa ra những chọn lựa quan trọng nhất trong đời.

Đó là câu chuyện thứ ba – câu chuyện về cái chết – một trong ba câu chuyện đời mà Steve Jobs mang đến kể trước các tân khoa Stanford, sau câu chuyện về việc kết nối các điểm mốc của cuộc đời, và câu chuyện về tình yêu và sự mất mát.

Cuộc đời Steve Jobs đã được tạo ra một cách sống động bằng cách nghĩ đến cái chết của mình mỗi ngày. Dường như việc nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời đã giúp Steve Jobs có cái nhìn toàn cảnh hơn, nhận thức rõ ràng những gì thực sự quan trọng để theo đuổi, và có động lực để đeo đuổi một cách nhiệt huyết nhất, như cách ông đã theo đuổi việc chế tạo những chiếc máy làm thay đổi nhân loại trong bốn thập kỷ qua. Là Apple, là Macintosh, là iPod, iPhone, Ipad, v.v.

Biết nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời từ hàng chục năm trước khi cuộc đời đó kết thúc, đã giúp Steve Jobs vượt qua những lẽ thường của nó. “Vì hầu như mọi thứ - tất cả những kỳ vọng bề ngoài, tất cả sự tự hào, tất cả nỗi lo sợ bị thất bại hay ngượng ngùng – những thứ đó sẽ biết mất trước mặt cái chết, để lại duy nhất thứ thực sự quan trọng”, Steve Jobs nói trước các tân khoa trường Stanford.

Khi Steve Jobs tham dự buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại học Stanford vào ngày 12.6.2005, có một chiếc máy bay đã lượn qua đó kéo theo một băng rôn có dòng chữ "Steve — Don't be a mini- player — recycle all e-waste" (Steve — Đừng là một chiếc máy chơi nhạc nhỏ bé — hãy tái chế tất cả rác thải điện tử). Đó là ứng xử của Steve Jobs sau vụ việc xảy ra trước đó hai tháng, khi ông mắng mỏ những người ủng hộ việc bảo vệ môi trường ngay tại một cuộc gặp gỡ thường niên của Apple ở Cupertino, vì họ chỉ trích quy trình tái chế rác điện tử yếu kém của Apple. Rồi Apple mở rộng chương trình tái chế, loại bỏ các thành phần không thân thiện môi trường trong mọi sản phẩm.

Steve Jobs và Apple đã dẹp bỏ được những ứng xử theo kiểu chối cãi thông thường trước những chỉ trích của những nhà bảo về môi trường. Vì trước cái chết tất cả sẽ biến mất chỉ còn lại những thứ thực sự quan trọng?

Một năm trước khi đứng phát biểu trước hàng ngàn sinh viên trường Stanford, tức là vào giữa năm 2004, Steve Jobs đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Thời điểm mà Steve Jobs gọi là lúc “nhận thức rõ bản thân cận kề với cái chết” lại trở thành một điểm mốc của cuộc đời Steve Jobs, mang đến một kết nối mới, suy nghĩ tích cực mới về cái chết. “Cái chết dẹp sạch cái cũ để dọn đường cho cái mới”, Jobs nói với các tân khoa.

Ông và Apple sau đó đã tiếp tục làm thay đổi thế giới bằng những cái mới không ngừng được sáng tạo. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone có màn hình cảm ứng và chạy trên hệ điều hành. Tháng 1.2010, Apple tung ra chiếc máy tính bảng iPad tạo ra một làn sóng máy tính bảng trên toàn thế giới.

Câu chuyện thứ ba của Steve Jobs kết thúc với những lời khuyến khích:“Thời gian của các bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của ai khác. Đừng để những ồn ào từ ý kiến của những người khác dìm mất tiếng nói trong chính bạn. Và điều quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành như thế nào. Mọi thứ khác là thứ yếu”.

Đó là những điều Steve Jobs không chỉ nói mà đã làm đúng như vậy. Ông đã sống cuộc đời của ông, cuộc đời của một đứa con nuôi xót tiền của cha mẹ nuôi nên bỏ ngang đại học, cuộc đời có những ngày như thể hôm nay là ngày cuối đời nên phải làm mọi điều mình muốn, cuộc đời tận hưởng mọi điểm mốc, mọi tình yêu, và mọi tổn thất.

Trong chuỗi ngày như thể là ngày cuối cùng của đời mình, Steve Jobs có lẽ đã mãn nguyện khi thấy một sản phẩm mới – chiếc iPhone 4S mà ông đã cùng với đế chế Apple của mình tạo ra được trình làng vào hôm 4.10, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 56 vào chiều ngày 5.10, ngày cuối cùng của đời ông.
 
Read more…

AI Video maker

pictory

Code type Ad code